Ngày 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Phiên họp tập trung đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá các bộ, ngành đã chuẩn bị kỹ các báo cáo và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi của các thành viên Chính phủ, các đại biểu; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp để sớm ban hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Bên cạnh những kết quả là cơ bản mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao.

Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Còn 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.

Đời sống một bộ phận người dân khó khăn; tình hình dịch bệnh, khô hạn, sạt lở trong tháng 4 - tháng nóng nhất trong 50 năm qua. An ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn, tội phạm mạng, an ninh an toàn thông tin còn diễn biến phức tạp; còn những vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng…

Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành thời gian tới. Trong đó, bám sát, rà soát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng áp lực lại càng nỗ lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân...

Cùng với các nhiệm vụ cụ thể giao các bộ ngành, địa phương, cơ quan, Thủ tướng yêu cầu cần phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị phục vụ thật tốt Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội sắp tới và chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; lưu ý không điều hành "giật cục" và chính sách tài khóa phải tích cực hơn; sử dụng các công cụ linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng thu, tiết kiệm chi, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu (phát huy kinh nghiệm thành công từ áp dụng cho hệ thống bán lẻ xăng dầu); sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ hai, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bộ, ngành, địa phương.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Thứ năm, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ). Trong đó, về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, phát triển bền vững ngành du lịch.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024.

Thứ sáu, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, dứt khoát không để người dân thiếu đói; tổ chức triển khai quyết liệt phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2025; xóa các vùng lõm về điện và sóng.

Thủ tướng lưu ý các địa phương, nhất là các thành phố lớn, các trung tâm du lịch lớn, như Phú Quốc phải có kế hoạch khẩn trương xây dựng các trung tâm xử lý rác thải, nước thải.

Thứ bảy, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số như Bộ Công an đã làm và kết nối với Đề án 06.

Thứ tám, tăng cường quản lý các mặt hàng nổi lên như giá vàng, bảo đảm thuốc chữa bệnh cho người dân. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo các cơ quan triển khai các giải pháp toàn diện liên quan đến quản lý thị trường vàng.

Thứ chín, chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1/7/2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.

Thứ mười, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, chuẩn bị tổ chức tốt Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Mười một, triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao.

Mười hai, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Mười ba, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Mười bốn, khẩn trương thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo các bộ ngành, địa phương để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Mười lăm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thực hiện các nhiệm vụ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo.

Đăng Nguyên